Triển lãm

100 năm sơn mài

Tải Catalogue tranh của triển lãm: Download
Thời gian: 29.12.2024 - 26.01.2025

Trước khi trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương xuất hiện tại Hà Nội vào năm 1925, sơn mài Việt Nam chủ yếu phát triển như một ngành thủ công truyền thống, gắn bó mật thiết với đời sống văn hóa tín ngưỡng của người Việt. Sơn mài thời kỳ này thiên về tính ứng dụng và chưa được định danh như một loại hình nghệ thuật độc lập.

Tại trường Mỹ thuật Đông Dương, sinh viên được khuyến khích rời xa lối trang trí rập khuôn để khai thác các chủ đề hiện đại, từ đời sống thường nhật đến phong cảnh và cảm xúc cá nhân, thay vì chỉ giới hạn ở họa tiết truyền thống. Quy trình đắp sơn nhiều lớp và mài nhiều lần để tạo hiệu ứng thị giác với độ sâu đặc trưng của sơn mài cũng được khám phá. Từ đó, sơn mài chuyển mình từ cái mác mỹ nghệ để trở thành chất liệu độc tôn, phát triển thành một trường phái hội họa đặc trưng cũng như mở ra một bước ngoặt mới cho lịch sử Mỹ thuật Việt Nam.

Sơn mài từ thời Đông Dương là sự kết hợp của nhiều lớp màu. Ở đó công đoạn mài đóng vai trò chủ chốt nhằm phơi ra các mảng màu nằm sâu dưới tầng đáy, để lộ ra tạo hình trong sâu với những nét nhấn nhá sáng tối, với những mảng màu lộng lẫy lá vàng lá bạc, vỏ trứng, sơn then. Qua mỗi nét mài, tạo hình chủ thể sẽ dần hiển thị và biến chuyển theo cảm thức cái đẹp của người nghệ sĩ.

Một hình thức khác kế thừa tính tỉ mẩn của sơn mài đó là sơn khắc. Về bản chất, chúng đều được vẽ trên những tấm vóc bằng gỗ đã được xử lý kỳ công nhưng kỹ thuật thì hoàn toàn trái ngược. Sơn khắc đòi hỏi sự chuẩn xác gần như tuyệt đối về phác thảo, bố cục bởi nét khắc sai hầu như không thể vãn hồi. Hình khắc là những nét chìm với độ nông, sâu khác nhau nhằm làm nổi bật hình tượng của tác phẩm.

Tuy nhiên, hình thái sơn mài liên tục được mở rộng biên độ để có thể đồng hành cùng sự biến chuyển của đời sống cùng các xu hướng văn hóa của người Việt qua các thời kỳ. Công cuộc khám phá chất liệu mới, thử nghiệm phá vỡ bố cục truyền thống với những hình khối đa chiều vẫn luôn tiếp diễn. Chủ đề cũng được mở rộng, phản ánh sự chuyển biến của xã hội, từ các giá trị dân gian lâu đời đến những vấn đề mang dấu ấn của thời đại.

Có thể nói, sơn mài đã trải qua một hành trình không ngừng biến chuyển, từ chất liệu bình dân đã được nâng lên vị trí duy tôn của hội họa Việt. Mỗi bước tiến của sơn mài đều phản ánh sự thay đổi của tư tưởng, cũng như nhu cầu khẳng định bản sắc riêng của nghệ thuật trong bối cảnh Việt Nam gia nhập dòng chảy nghệ thuật  toàn cầu.

Trưng bày ‘100 năm sơn mài’ lần này nhằm đánh dấu cột mốc 100 năm (1925-2025) trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương xuất hiện tại Việt Nam. Trưng bày được phối hợp tổ chức bởi Lotus Gallery, Quang San Art Museum và Annam Gallery, mở cửa tham quan tự do trong khung giờ 9:00 – 18:00 hằng ngày từ 29/12/2024 đến hết 26/01/2025.

Một số hình ảnh của triển lãm

Lotus Gallery - Fine art - Phòng trưng bày nghệ thuật